Trong những ngày cuối tháng 8 này, một đoàn đại biểu gồm 60 nghị sĩ Quốc hội và các đại biểu thanh niên thuộc đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Nhật Bản thăm Việt Nam. Chuyến thăm này nằm trong những nỗ lực của đảng cầm
quyền Nhật Bản thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam vào chiều sâu. Theo ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, nhiều trong số các thành viên trong Đoàn là những nhân vật đại diện cho thế hệ mới của đảng
cầm quyền.
Thế giới đang trải qua những biến động to lớn. Nhật Bản dưới chính quyền Shinzo Abe hiện nay đứng trước năm sức ép chủ yếu: Sự đình trệ kinh tế-xã hội kéo dài 20 năm; cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu; già
hóa dân số; đại họa sóng thần năm 2011; sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.
Công cuộc phục hưng Nhật Bản do Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng từ đầu năm 2013 tập trung vào ba nội dung cơ bản: chấn hưng dân khí, cải cách kinh tế theo chương trình “ba mũi tên” của Abenomics, và tăng cường sức
mạnh an ninh quốc phòng (có thể đặt tên là Abesecuritics), mà một trong nội dung chủ yếu là làm cho quân đội trở nên bình thường.
Trách nhiệm triển khai các nội dung của cuộc cải cách và tiếp tục tiến bước trong nỗ lực canh tân và chấn hưng dân tộc không ai khác là thanh niên. Vì vậy, trong nỗ lực chấn hưng dân khí, giới lãnh đạo Nhật Bản đặc
biệt chú trọng truyền lửa cho thế hệ trẻ, khích lệ các nghị sĩ, các nhà hoạt động chính trị trẻ rèn luyện trở thành lãnh đạo tương lai của đất nước, có ý chí khôi phục Nhật Bản trở lại để vị trí thứ 2 về kinh tế, làm
cho người Nhật Bản, đặc biệt là thanh niên thấy trách nhiệm tái sinh nước Nhật, nắm lấy nọn cờ duy tân đã được khởi xướng.
Sự trỗi dậy của Nhật Bản là một hiện tượng mới của đời sống châu Á-Thái Bình Dương. Nó phản ánh một chiều hướng đang đặt ra trước giới tinh hoa của các quốc gia: Tư duy lại (Rethink),
Tái cân bằng (Rebalance), Tái cấu trúc(Restructure). Thế giới một lần nữa đang nhận thức lại Nhật Bản, nghiên cứu hiện tượng “Abenomics” và “Abesecuritics”. Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe có
đưa được ngọn cờ chấn hưng dân tộc tới đích hay không, phụ thuộc đáng kể vào việc thay đổi tư duy, khắc phục tư tưởng ỷ lại cái cũ, sống theo nếp cũ, đồng thời giải quyết các nhiệm vụ kinh tế, hàng đầu là tái cơ cấu
nền kinh tế. Mà để tái cơ cấu nền kinh tế, trước hết lại đòi hỏi thay đổi tư duy và khắc phục tư tưởng ỷ lại vào cái cũ.
Việt Nam – Nhật Bản: cùng hội cùng thuyền
Vào cuối thế kỷ 19, khi nước Nhật thức thời tiến hành công cuộc Duy tân Minh Trị tự cường, thì sự trì trệ và bảo thủ của triều đình phong kiến Việt Nam đã để đất nước ta rơi vào ách đô hộ thực dân kéo dài 80 năm.
Đầu thế kỷ 20, phong trào Đông du được khởi xướng. Đó là một trong các trào lưu yêu nước tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc.
Về phía Nhật Bản, sau khi thất bại cay đắng trong nỗ lực chinh phục châu Á bằng vũ lực, bước vào thời kỳ hậu chiến, nhờ những nỗ lực to lớn và chịu đựng phi thường, đến những năm 1960-1970, người Nhật Bản đã thành
công trong cuộc chinh phục châu Á bằng tấm gương kinh tế và các thành tựu thần kỳ về kinh tế. Vào thời kỳ đó, cuộc chiến tranh Việt Nam đang diễn ra vô cùng quyết liệt. Nước ta không có điều kiện tham gia vào làn
sóng phát triển kinh tế Đông Á do Nhật Bản dẫn đầu.
Hơn hai mươi năm trước, Nhật Bản là nước đi đầu trong viện trợ ODA cho Việt Nam, góp phần xây dựng và trang bị cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, nhà máy điện, cảng biển, hỗ trợ thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt
Nam, tăng thêm việc làm, thúc đẩy thương mại, góp phần có ý nghĩa vào phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay đang ở vào giai đoạn tốt đẹp nhất, thay đổi về chất. Hợp tác song phương đang có đà trên mọi lĩnh vực, sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn. Hợp tác kinh tế đã đi vào mọi lĩnh vực, từ
ODA đến đầu tư trực tiếp.
Theo con số JETRO công bố, hiện nay, tính cả các văn phòng đại diện thì có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam.
Hàng chục nghìn người Việt Nam đang thực hiện cuộc “Đông du mới”. Ngoài các học sinh, thực tập sinh, người lao động Việt Nam được gửi sang Nhật Bản làm việc cũng tăng mạnh, đạt trên 10.000 người một năm. Hợp tác về
an ninh-quốc phòng có điều kiện phát triển sâu rộng. Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực xây dựng nền kinh tế biển, khai thác biển và bảo vệ vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Gần đây, nông nghiệp là một lĩnh vực hợp tác quan trọng được đẩy mạnh. Nhật Bản ngày càng chú trọng hỗ trợ cho sự phát triển một số lĩnh vực của nông nghiệp nước ta. Việt Nam đang tham gia vào một quá trình phân công
lao động mới với Nhật Bản trên lĩnh vực nông nghiệp, đón đầu quá trình liên kết kinh tế trong khuôn khổ thỏa thuận Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết trong tương lai không xa.
Quan hệ Việt- Nhật đang đứng trước một cơ hội mới với những thuận lợi to lớn. Để đưa quan hệ hai nước phát triển chiều sâu, tăng cường chất lượng hợp tác toàn diện, hai bên phải tăng cường sự tin cậy chiến lược.
Người Nhật Bản trọng chữ “TÍN”. Người Việt Nam cần học tập tinh thần lao động nghiêm túc, tiếp thu văn hóa quản trị kinh doanh Nhật Bản.
Vào thời điểm Nhật Bản đang có những bước chuyển mình tích cực, ta cần nhìn nhận bình tĩnh và khách quan quyền tự vệ tập thể và bình thường hóa quân sự của Nhật Bản. Quá trình hiện đại hóa quốc phòng của Nhật Bản với
ngân sách quốc phòng dưới 1% GDP không thể là nhân tố phá vỡ cân bằng mà để thiết lập cân bằng quyền lực ở Đông Bắc Á. Mặt khác, mối quan hệ MỸ- Nhật- Trung- Nga sẽ tiếp tục làm trụ cột cho an ninh và ổn định khu vực
và giúp ngăn chặn mọi đột biến quân sự hóa hay sự xuất hiện của chủ nghĩa quân phiệt ở Đông Bắc Á. Ta cần tích cực cạnh tranh đón nhận làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Đông Nam Á. Cần khai thác và tranh thủ một
cách có chọn lọc trong quá trình hợp tác mới, xây dựng đối tác tin cậy. Cùng chung sức đóng góp cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng của Đông Á, nơi lợi ích hai nước và số phận hai dân tộc có sự tương liên sâu sắc./.
|